Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

Carnaval Hạ Long 2013 “Sắc màu Quảng Ninh - Hội tụ và lan toả”

(MYTOUR.VN) - NGÀY 27/4 TỚI ĐÂY TẠI QUẢNG NINH SẼ DIỄN RA CARNAVAL HẠ LONG 2013 VỚI CHỦ ĐỀ “SẮC MÀU QUẢNG NINH - HỘI TỤ VÀ LAN TOẢ”. CHƯƠNG TRÌNH HỨA HẸN SẼ MANG LẠI MỘT LỄ HỘI LUNG LINH SẮC MÀU, NHẰM TÔN VINH VẺ ĐẸP VĂN HÓA HẠ LONG.

Lễ hội Caraval Hạ Long sắp diễn ra đã hứa hẹn cho những ngày diễn ra lễ hội với nhiều sắc màu và ấn tượng với du khách, lễ hội nhằm  đích tôn vinh mụcvăn hóa của những người con đất mỏ. 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết những nét mới của Carnaval năm nay như: Sử dụng hoàn toàn nội lực của tỉnh; địa điểm mới nhằm mở rộng không gian du lịch Hạ Long; phát huy giá trị các dân tộc theo hướng đi sâu khai thác sắc màu văn hoá vùng miền; tổ chức Tuần du lịch Hạ Long với các hoạt động rải rác diễn ra trong tháng 4 trên cơ sở XHH toàn bộ kinh phí.

Chương trình với 3 nội dung: Lễ khai mạc, biểu diễn nghệ thuật và diễu hành Carnaval. Trong đó, lễ hội đường phố gồm 6 xe hoa mô hình, 26 khối diễn thể hiện các tài nguyên du lịch của tỉnh với sự tham gia của gần 5.000 diễn viên trung ương, địa phương, người mẫu, hoa hậu, vũ công. Khán đài được lắp dựng với hơn 10.000 chỗ ngồi. Đến nay, các khâu chuẩn bị đều theo đúng kế hoạch đề ra. 

Giám đốc Sở VH, TT-DL cũng cho biết Carnaval năm nay sẽ có chủ đề “Sắc màu Quảng Ninh-Hội tụ và lan tỏa”, diễn ra vào 20h tối 27-4 tại đường đôi Hoàng Quốc Việt, phường Hùng Thắng (TP Hạ Long). Điểm nhấn của Lễ hội năm nay tiếp tục là màn diễu hành đường phố cùng nhiều tiết mục sôi động, hấp dẫn, hoạt náo, các xe hoa, vũ điệu, trình diễn dân gian của các dân tộc, vùng miền văn hóa Quảng Ninh, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân cùng du khách trực tiếp tham gia. Dự kiến Lễ hội đường phố này là một cuộc đại trình diễn với sự tham gia của trên 5.000 diễn viên, vũ công, người mẫu, đoàn nghệ thuật Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào… thực hiện.


 Lễ hội Carnaval năm nay sẽ tiếp tục khai thác, giới thiệu, quảng bá, tôn vinh những giá trị văn hóa bản địa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh dưới hình thức diễu hành, biểu diễn nghệ thuật đường phố mang đậm màu sắc địa phương tới các du khách trong nước và quốc tế. Vì vậy, hơn 60 đồng bào dân tộc Dao tại xã Bằng Cả huyện Hoành Bồ được huy động để tham gia vào điệu múa Cầu Mùa (điệu múa dân gian mang những giá trị văn hóa của dân tộc Dao tỉnh Quảng Ninh) cần phải cố gắng nỗ lực hơn nữa trong tập luyện để mang tới lễ hội một tiết mục nghệ thuật đặc sắc thể hiện được nét đẹp văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc Dao, xã Bằng Cả, huyện Hoành Bồ.


Bên cạnh đó, phần trình diễn Carnaval gồm 6 xe hoa mô hình diễu hành thể hiện các tài nguyên du lịch Quảng Ninh với các chủ đề: Huyền thoại kỳ quan, Sắc màu lễ hội và “đá cháy”, Du lịch biển đảo, Khám phá sắc màu, Yên Tử non thiêng, Hội tụ và lan tỏa.

Năm nay Lễ hội được tổ chức chủ yếu thông qua nguồn lực xã hội hóa, không sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước. Đây là một trong những sự kiện chào mừng 50 năm thành lập tỉnh, ngày hội của nhân dân tỉnh Quảng Ninh nhằm giới thiệu, mời gọi bạn bè, du khách trong nước và quốc tế đến chiêm ngưỡng, khám phá kỳ quan thế giới Vịnh Hạ Long và những di sản văn hóa đa sắc màu của Tỉnh.

Trong thời gian diễn ra Lễ hội, tại các trung tâm du lịch Vân Đồn, Uông Bí, Cô Tô, Móng Cái… đều diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch hưởng ứng Carnaval Hạ Long 2013. Carnaval sẽ diễn ra nhiều hoạt động khác như: Giải thể thao người khuyết tật; lễ hội hoa Anh đào; tết Bun-pi-may cho du học sinh người Lào; lễ đón Bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt và kỷ niệm 725 năm Chiến thắng Bạch Đằng; giải đua thuyền chải vượt sông Bạch Đằng; lễ biểu dương, phát động chương trình “Nối vòng tay nhân ái vì người khuyết tật và trẻ mồ côi”; chung kết Người dẫn chương trình hay nhất về Hạ Long; hội chợ thương mại du lịch và ẩm thực; giải bóng chuyền bãi biển tại Tuần Châu.v.v. 


Theo bà Vũ Thị Thu Thủy- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Trưởng ban Tổ chức Chương trình Carnaval Hạ Long 2013 qua 6 năm tổ chức, Carnaval Hạ Long đã trở thành thương hiệu của du lịch Quảng Ninh, có ý nghĩa trong việc truyền bá, quảng bá, khai thác, phát huy những giá trị văn hóa, các danh lam thắng cảnh của Tỉnh. Đồng thời, ban tổ chức đã chuẩn bị các phương án đảm bảo tối đa nhua cầu dịch vụ ăn, nghị và an ninh trật tự. Hiện trên địa bàn có khoảng 13000 phòng nghỉ phục vụ du khách dịp lễ hội. Tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ đã được quán triệt không “chặt chém” du khách, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để cùng góp phần tạo ấn tượng tốt cho du khách về một lễ hội đã trở thành “đặc sản” của tỉnh Quảng Ninh.

Ông Long cho biết thêm, để phục vụ du khách trong và người nước về tham dự tuần lễ hội Carnaval Hạ Long 2013, ban tổ chức đã chuẩn bị các phương án đảm bảo tối đa nhu cầu dịch vụ ăn, nghị và an ninh trật tự. Hiện trên địa bàn có khoảng 13000 phòng nghỉ phục vụ du khách dịp lễ hội. Tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ đã được quán triệt không “chặt chém” du khách, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để cùng góp phần tạo ấn tượng tốt cho du khách về một lễ hội đã trở thành “đặc sản” của tỉnh Quảng Ninh.

Nhiều hoạt động bên lề hưởng ứng chương trình Carnaval Hạ Long 2013 cũng đã được chuẩn bị chu đáo; Công tác lễ tân hậu cần, trang trí khánh tiết, thông tin truyền thông, an ninh trật tự cũng được các tiểu ban triển khai khẩn trương theo đúng kế hoạch đã định; Công tác in ấn, phát hành giấy mời và phù hiệu phục vụ Carnaval cũng đã được hoàn tất.

Tính đến thời điểm hiện tại, việc xây dựng kịch bản và nội dung của Carnaval Hạ Long 2013 đã cơ bản hoàn thành. Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV1, VTV4 và QTV.

 

Sapa sẵn sàng cho lễ hội trên mây 2013

(MYTOUR.VN) - TẠI TRUNG TÂM THỊ TRẤN SA PA VÀ CÁC XÃ TẢ PHÌN, SAN SẢ HỒ, TẢ VAN… SẼ DIỄN RA CÁC HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA, VĂN NGHỆ, THỂ THAO, TRONG KHUÔN KHỔ LỄ HỘI TRÊN MÂY SA PA NĂM 2013. TỪ NGÀY 26/4 ĐẾN 5/5/2013. SAPA ĐÃ SẴN SÀNG CHO LỄ HỘI NĂM NAY.

Trong khuôn khổ lễ hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn: Triển lãm ảnh nghệ thuật "Sắc màu Sa Pa"; Ngày hội văn hóa dân gian tại khu du lịch Hàm Rồng; Ngày hội văn hóa bản Mông Cát Cát; Lễ hội cấp sắc của người Dao đỏ; Hội thi khèn, sáo Mông; Tái hiện "Chợ tình Sa Pa"; Tour "Một ngày làm nông dân Sa Pa"... Lễ hội sẽ khai mạc vào tối 27-4 tại trung tâm thị trấn Sa Pa. Được biết, lễ hội năm 2012, Sa Pa thu hút khoảng 12.000 du khách, một con số kỷ lục từ trước tới nay. 


Theo dự kiến, các hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội trên mây Sa Pa năm 2013, gồm có: Khai mạc Lễ hội trên mây năm 2013 vào lúc 19 giờ 30 phút, ngày 27/4/2013 tại sân Quần thị trấn Sa Pa. Phần hội với chương trình nghệ thuật “Ngày hội vùng cao”; Chương trình triển lãm ảnh nghệ thuật, trưng bày những bức ảnh thổ cẩm các dân tộc huyện Sa Pa tại nhà trưng bày Trung tâm Thông tin Du lịch Lào Cai tại Sa Pa và trưng bày ảnh “Sắc màu Sa Pa”, tại sân Quần. Công viên Vạn Hoa (khu vực Đài sen – Thư Bác) sẽ là nơi trưng bày hoa, cây cảnh đặc hữu của Sa Pa. 

 Từ 9 giờ đến 12 giờ ngày 28/4/2013, tại thôn Cát Cát, xã San Sả Hồ tổ chức Ngày hội văn hóa bản Mông Cát Cát với các hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc của dân tộc Mông như: Mời bạn đóng làm cô dâu, chú rể người Mông; xay ngô làm mèn mén, làm bánh dày, tổ chức các trò chơi dân gian; trình diễn nghề thủ công truyền thống của dân tộc Mông như rèn, đúc nông cụ, chạm khắc bạc, se lanh, dệt vải, nhuộm chàm, vẽ hoa văn sáp ong trên vải lanh, nghề đan thồ, bện hài…


Chợ tình Sa Pa được tổ chức từ 17 giờ 30 phút đến 19 giờ 30 phút và 21 giờ 30 phút đến 23 giờ 30 phút ngày 27/4/2013, trên các tuyến phố Thác Bạc, Cầu Mây, Hàm Rồng, Xuân Viên, thị trấn Sa Pa, với các nghi thức hát giao duyên của người Dao đỏ, cảnh kéo vợ của người Mông.

Lễ hội “Một ngày làm nông dân” được tổ chức từ 8 giờ 30 phút ngày 27/4/2013 tại xã Tả Phìn, ở đây du khách có thể tham gia các hoạt động sản xuất với người dân; tham quan một số mô hình Homestay, tour đi rừng lấy lá thuốc, học cách sử dụng thảo dược, chuẩn bị bữa ăn truyền thống và thưởng thức ẩm thực dân tộc; tham quan và học cách làm thổ cẩm, thêu hoa theo quy trình truyền thống của người Dao đỏ; khám phá ngôi nhà và phong tục truyền thống dân tộc Dao…

Từ 9 giờ đến 16 giờ ngày 27/4/2013, tại xã Tả Van sẽ diễn ra Lễ cấp sắc của người Dao đỏ. Đây là nghi lễ mang tính giáo dục cao, thể hiện ở các điều giáo huấn ghi trong cấp sắc, luôn được người Dao giữ gìn và phát huy nét văn hóa đặc sắc, góp phần làm giàu đẹp hơn văn hóa các dân tộc huyện Sa Pa.

 

Trong khuôn khổ Lễ hội trên mây Sa Pa năm 2012 còn có các hoạt động như: Giải quần vợt Cúp Phan Xi Păng mở rộng lần thứ VI; Hội chợ Du lịch thương mại du lịch Sa Pa. Nét mới trong Lễ hội trên mây Sa Pa năm 2013 là sẽ có Hội thi khèn, sáo và trang phục các dân tộc huyện Sa Pa vào lúc 20 giờ, ngày 28/4 tại sân Quần, thị trấn Sa Pa.

Từ 9 giờ 30 phút ngày 30/4 đến hết ngày 1/5/2013, tại Khu du lịch Hàm Rồng sẽ diễn ra Ngày hội văn hóa dân gian với các nội dung như: Văn nghệ dân gian, với các tiết mục đặc sắc của 5 dân tộc anh em Mông, Dao, Tày, Dáy, Xa Phó; tổ chức các trò chơi dân gian: dựng cây đu, cây nêu; trưng bầy các sản phẩm trang sức, một số dụng cụ sản xuất, nhạc cụ đặc sắc; tổ chức thi đấu các môn thể thao dân tộc…

 

Tính đến thời điểm này (25/4), công tác chuẩn bị cho các hoạt động văn hóa, lễ hội, thương mại và thể thao đang diễn ra hết sức tích cực, khẩn trương. Ông Lê Mạnh Hảo, Trưởng phòng Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Sa Pa cho biết: Phòng đã cử tất cả các cán bộ tới các địa điểm tổ chức ở thị trấn và các xã để kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị cho lễ hội. Hoa, cây cảnh, ảnh thổ cẩm, ảnh nghệ thuật… đều đã được chuẩn bị hoàn tất, tất cả đã sẵn sàng. Quan sát tại trung tâm thị trấn Sa Pa chúng tôi thấy, mặc dù trời nắng, nhưng không khí khá dễ chịu, đường phố đã được quét dọn sạch sẽ, với nhiều hoa, cây cảnh, băng rôn chào mừng, tuyên truyền về ngày lễ... Lực lượng cảnh sát giao thông, trật tự đô thị liên tục tuần tra, tuyên truyền, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.

Lễ hội sẽ cuốn hút nhiều du khách đến với lễ hội và được coi như là điểm du lịch hấp dẫn trong năm 2013. Bạn sẽ được trải nghiệm qua những điều hay, điều thú vị của Sapa, được bước vào không gian của Sapa hấp dẫn và hiểu hơn đời sống của người dân nơi đây.

 

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Thiên Cảnh Ngầm Đôi

NGẦM ĐÔI VỚI VẺ ĐẸP HOANG SƠ, THƠ MỘNG MÀ KỲ THÚ ĐƯỢC TẠO NÊN BỞI MỘT QUẦN THỂ THIÊN NHIÊN HÀI HÒA, NƠI ĐÂY NÚI RỪNG TRÙNG ĐIỆP ĐƯỢC TRANG ĐIỂM BỞI SẮC MÀU CÁC LOÀI HOA RỪNG, KHÔNG KHÍ TRONG LÀNH, MÁT MẺ. NÓ SẼ ẤN TƯỢNG VỚI BẤT KỲ AI LẦN ĐẦU ĐẶT CHÂN TỚI NƠI ĐÂY.

 Vị trí địa lý: 
nằm tại thôn Phú Túc, xã Hoà Phú huyện Hoà Vang cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 34km về phía Tây Bắc.

Cái tên Ngầm Đôi bây giờ đã không còn xa lạ với người dân thành phố Đà Nẵng, tuy chưa được đầu tư khai thác nhưng nó vẫn là điểm du lịch hấp dẫn đối với khách du lịch

Ngầm đôi là nơi hai dòng suối chảy hợp lại trước khi đổ vào sông Lỗ Đông. Ngầm đôi là địa điểm lý tưởng cho những cuộc tham quan, dã ngoại, tìm về thiên nhiên khiến du khách quên đi những giờ phút làm việc căng thẳng.



Không như những cái tên mỹ miều như suối Hoa hay thác Mơ... người dân Hòa Vang đặt một cái tên giản dị cho "thiên cảnh" quê mình là Ngầm Đôi. Đơn giản chỉ vì nơi đây có hai con suối chảy hợp lại trước khi đổ vào sông Lỗ Đông. Qua hàng ngàn năm, dòng chảy của hai con suối trên những tảng đá rộng lớn, gồ ghề xếp chồng lên nhau đã tạo nên những thác nước hùng vĩ.

Đến với Ngầm Đôi khách như lạc vào không gian cách biệt với thế giới bên ngoài. Không khí trong lành, mát mẻ, ánh mặt trời len qua từng kẽ lá chiếu xuống con đường gập ghềnh đá, tiếng chim rừng lảnh lót cùng với tiếng thác nước dội vào vách đá cheo leo.

Muốn khám phá cảnh vật, du khách có thể men theo những triền đá khúc khuỷu ngược dòng về thượng nguồn lên tận “đỉnh trời” để chiêm ngưỡng sự hùng vĩ của các thác nước đang ồ ạt đổ xuống.



Bên cạnh thác nước, Ngầm Đôi còn có những bãi đá nhảy ngoạn mục. Bắt đầu từ lối đi xuống Ngầm Đôi là những bậc đá, có nơi nhỏ vừa đủ hai người qua lại. Đá hai bên lối đi như thể có đôi bàn tay tài tình nào đó của tạo hóa khéo léo tạo hình, xếp đặt với muôn hình vạn trạng. 

Những tảng đá lớn dọc bờ suối với nhiều hình thù lạ mắt. Cả những hoa văn mà nước và gió đã chạm khắc vào đá càng làm cho cuộc thưởng ngoạn của du khách thêm phần hào hứng.


Đến những đoạn đường “thở dốc”, thiên nhiên lại ban tặng khách những thạch bàn to phẳng. Muốn thư giãn, có thể ngả lưng ngắm cảnh trời mây yên bình hoặc hòa vào dòng thác đón làn nước trong vắt, tung hứng những tia bọt trắng xóa giữa tiếng reo ầm ầm.

Cảm giác thư thái, bay bổng giữa thiên nhiên mát lành làm mọi người quên hết nhọc nhằn của những ngày làm việc căng thẳng.



Vài chục năm trước Ngầm Đôi còn rất hoang vu, nhưng từ nhiều năm nay nơi đây đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn với tất cả mọi người. Từ người ưa tĩnh lặng đến kẻ thích mạo hiểm đều có sự lựa chọn điểm đến Ngầm Đôi mỗi khi hè về.


Đến nơi đây bạn sẽ được tận hưởng không khí trong lành, những cảnh thiên nhiên đẹp với những hòn đá tự nhiên to lớn, cùng dòng nước trong xanh chảy quanh năm, từng hòn đá hoàn toàn tuy nhiên làm nổi bật thêm cho nơi đây, hàng cây xanh mát giúp du khách mỗi khi mệt có thể nghỉ lại nơi đây để nghỉ dưỡng.

 

Hồ Chí Minh: Di tích lịch sử cổ xưa - Miếu Bà Thiên Hậu

CHÙA BÀ THIÊN HẬU LÀ MỘT TRONG NHỮNG NGÔI CHÙA MIẾU, CÓ LỊCH SỬ LÂU ĐỜI NHẤT CỦA NGƯỜI HOA Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH. BÊN CẠNH GIÁ TRỊ VỀ NGHỆ THUẬT KIẾN TRÚC, ĐIÊU KHẮC, HIỆN VẬT CỔ, NƠI ĐÂY CÒN CÓ MỘT GIÁ TRỊ KHÁC, ĐÓ KHÔNG CHỈ LÀ NƠI ĐÁP ỨNG NHU CẦU TÍN NGƯỠNG MÀ CÒN LÀ NƠI QUI TỤ VÀ TƯƠNG TRỢ LẪN NHAU CỦA BÀ CON NGƯỜI VIỆT GỐC HOA (QUẢNG ĐÔNG).

Lịch sử về miếu:
Chùa Bà Thiên Hậu được nhóm người Hoa gốc huyện Tuệ Thành (Quảng Đông) di dân sang Việt Nam góp vốn và góp công xây dựng vào khoảng năm 1760 và được trùng tu nhiều lần. Chùa nằm trong khu trung tâm của những người Hoa đầu tiên đến tạo lập nên Chợ Lớn sau này.

Kiến trúc:
Chùa xây theo hình ấn, là kiểu kiến trúc đặc trưng cùa người Hoa, đây là tổ hợp 4 ngôi nhà liên kết nhau tạo thành mặt bằng giống hình chữ "khẩu" hoặc chữ "quốc". Ba dãy nhà ở giữa tạo thành tiền điện, trung điện và hậu điện. Giữa các dãy nhà này có một khoảng trống gọi là thiên tỉnh (giếng trời), giúp không gian chùa thoáng đãng, đủ ánh sáng cho hậu cung và có chỗ thoát khói hương.



Miếu Bà Thiên Hậu Hồ Chí Minh

Trang trí ở các điện là hình hoa lá, chim thú và hoành phi, câu đối, biển tự thường là màu đỏ, vàng tạo sự ấm áp, tin tưởng. Chùa còn có các bức tranh đắp nổi liên hoàn, các con vật thuộc "tứ linh".
 
Từ đó đến nay, qua nhiều lần trùng tu, miếu vẫn giữ được phong cách của chùa Hoa từ đường nét, nghệ thuật kiến trúc, cấu tạo mặt bằng đến vật liệu xây dựng. Miếu xây theo hình ấn, là kiểu kiến trúc đặc trưng của người Hoa, đây là tổ hợp 4 ngôi nhà liên kết nhau tạo thành mặt bằng giống hình chữ "khẩu" hoặc chữ "quốc". Ba dãy nhà ở giữa tạo thành tiền điện, trung điện và hậu điện. Giữa các dãy nhà có một khoảng trống gọi là thiên tỉnh (giếng trời), giúp không gian miếu thoáng đãng, đủ ánh sáng cho hậu cung và có chỗ thoát khói hương. 

Trang trí ở các điện là hình hoa lá, chim thú và hoành phi, câu đối, thường là màu đỏ, vàng, tạo sự ấm áp, tin tưởng. Miếu còn có các bức tranh đắp nổi hình thú thuộc "tứ linh", có gắn các phù điêu bằng gốm dày đặc từ trên nóc, mái, hiên cho đến các bàn thờ, vách tường... do 2 lò gốm Bửu Nguyên và Đồng Hòa sản xuất vào năm 1908. Pho tượng Bà Thiên Hậu tạc từ một khối gỗ nguyên cao 1 m, có từ khá lâu, trước khi xây miếu, vốn được thờ ở Biên Hòa và đến năm 1836 mới di chuyển về đây. Hai pho tượng còn lại bằng cốt giấy sơn màu. Các pho tượng đều được khoác áo thêu lộng lẫy. Gian phụ nằm hai bên chính điện thờ Quan Thánh, Địa Tạng, Thần Tài.

Văn hóa tín ngưỡng:
Miếu Bà có vị trí quan trọng trong đời sống tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Hoa trong quá trình định cư ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Ngày lễ vía Bà hằng năm vào 23-3 âm lịch được xem là ngày hội lớn của đông đảo người Hoa và người Việt, được tổ chức long trọng, có đọc văn tế, lễ hội trước sân miếu, múa rồng, múa lân, hát Tiều, hát Quảng... Năm 1993, miếu được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Miếu Thiên Hậu là miếu có di tích lịch sử lâu đời, có nét văn hóa đặc trưng ở nơi đây và là niềm tự hào của người dân nơi đây. Miếu có bề dày lịch sử lâu đời và là di tích văn hóa cổ xưa.

 

khám phá Cát Bà - vẻ yên tĩnh tự nhiên

KHI HOÀNG HÔN BUÔNG XUỐNG, CẢNH ĐẸP CỦA CÁT BÀ CÀNG ĐƯỢC TĂNG LÊN BỞI CẢ CÁI THỊ TRẤN NHỎ NẰM HƯỚNG MẶT RA BIỂN, HÌNH ẢNH NHỮNG CHIẾC TÀU LỚN, NHỎ CÒN ĐANG LÊNH ĐÊN TRÊN BIỂN, THỊ TRẤN THÌ YÊN BÌNH TRONG CÁI KHÔNG KHÍ CHIỀU TÀ NÀY. CÙNG KHÁM PHÁ CÁT BÀ VỀ VẺ YÊN TĨNH TỰ NHIÊN.

Cát Bà:
Cát Bà là quần thể gồm 367 đảo trong đó có đảo Cát Bà ở phía Nam vịnh Hạ Long, ngoài khơi thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 30 km, cách thành phố Hạ Long khoảng 25 km. Về mặt hành chính, quần đảo thuộc huyện đảo Cát Hải, thành phố Hải Phòng. Nơi đây đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Cơ sở hạ tầng cũng khá phát triển với tổ hợp nhiều khách sạn, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng, chùa chiền và đặc biệt là toàn bộ khu vực đảo đã được thành phố Hải Phòng triển khai các trạm thu phát wifi.



Lịch sử hình thành:
Tương truyền xưa kia tên đảo là Các Bà, là hậu phương cho Các Ông theo Thánh Gióng đánh giặc Ân. Ở thị trấn Cát Bà hiện nay có đền Các Bà. Các bản đồ hành chính thời Pháp thuộc (như bản đồ năm 1938) còn ghi là Các Bà. Như vậy có lẽ tên gọi Các Bà đã bị đọc trệch thành Cát Bà.

Trước đây đảo Cát Bà thuộc huyện Cát Bà, năm 1977 mới sáp nhập với huyện Cát Hải thành huyện Cát Hải mới. Trước đây đảo thuộc tỉnh Quảng Yên, sau thuộc khu Hồng Quảng, đến năm 1956 mới chuyển về thành phố Hải Phòng.

Địa chỉ:
Thị trấn Cát Bà hiện nay là huyện lị huyện Cát Hải. Trước năm 1945, thị trấn Cát Bà là phố Cát Bà, rồi đại lý Cát Bà thuộc huyện Cát Hải, tỉnh Quảng Yên. Sau năm 1945, trở thành thị xã Cát Bà. Đến năm 1957 thị xã Cát Bà đổi thành thị trấn và huyện Cát Bà mới thành lập.

Lợi thế của Cát Bà:
Là một trong những điểm nhấn của du lịch vùng Đông Bắc, Cát Bà có những nét riêng so với các điểm du lịch khác. Một trong những nét riêng đó là những bãi cát nhỏ nằm rải rác giữa các ngọn núi, nước biển trong xanh, tạo thành những bãi tắm rất đẹp. Sắc xanh của núi đá, cây rừng và màu cẩm thạch của biển đã tạo cho Cát Bà một bản hòa sắc rực rỡ giữa đất trời với hàng trăm dáng núi kỳ vĩ và những hang động huyền bí. Nhiều vịnh biển nằm sâu trong lòng đảo với những dải cát nhỏ mịn màng, nước trong như ngọc tạo cho quần thể san hô thêm lung linh ngàn sắc. Những con suối len lỏi sâu trong rừng ngày đêm róc rách tạo nên những bản hợp xướng, những hang động xuyên núi hay luồn trong từng vách đá là đặc trưng ở nơi đây.


Lượng sinh quyển nơi đây được UNESCO công nhận:
Cát Bà là một cụm du lịch thiên nhiên, sinh thái; nơi đây vừa có rừng, vừa có biển với nguồn tài nguyên phong phú, cảnh quan đẹp và nhiều loại động thực vật quí hiếm. Vì thế, đối với những du khách ưa mạo hiểm thì Vườn quốc gia Cát Bà là một điểm du lịch hấp dẫn, đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Vườn có 4.500 hecta rừng nguyên sinh, có hệ thực vật thường xen lẫn rừng cây lá rộng, cây lá kim và rừng kín lá rộng phát triển trên núi đá vôi. Và nhiều loại động vật, thực vật quý hiếm nên đây là nơi bảo tồn nguồn gen đa dạng. Vườn quốc gia Cát Bà có tới 22 loài động vật được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và 6 loài được ghi trong Sách đỏ Thế giới, trong đó có voọc đầu trắng, loài động vật đặc hữu và quý hiếm của Cát Bà.


Vẻ đẹp Cát Bà:
Đối với những du khách thích khám phá cảnh đẹp thiên nhiên, thì việc viếng thăm hang động Trung Trang với những nhũ đá thiên nhiên kì bí đẹp mê hồn hay vào động Hùng Sơn chứa cả một “bệnh viện” trong chiến tranh và hiểu thêm về những chiến công, lòng dũng cảm của nhân dân Cát Bà trong cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ hay thuê một chiếc thuyền du lịch ra vịnh Lan Hạ quả là một hành trình thú vị. Vịnh Lan Hạ đẹp như một bức tranh thủy mặc, được chấm phá bởi những đường cong uốn lượn đủ muôn hình.

Nếu muốn thả mình trong làn nước trong xanh để quên hết những âu lo, muộn phiền thì hòa mình trong những dòng người đông nghịt trên các bãi tắm như Cát Cò, Cát Tiên, Cát Ông… Biển ở đây trong xanh, đẹp đến mê hồn, những bãi cát trắng mịn màng trải dài nhưng đầy kín đáo yên tĩnh. Du khách có thể tắm, chơi đùa trên cát hay phơi mình đón hoàng hôn, ngắm mặt trời lặn.

Đêm… Cát Bà trở về với sự êm đềm của nó, thị trấn im lìm bên những dải núi, phố vắng tanh, những hàng cây xao xác, những con thuyền neo đậu bến bình yên... Và lòng người cũng “mênh mang” đến lại. Sự yên tĩnh của nơi đây làm cho những con tim du khách phải thả hồn cùng không gian để quên đi những tháng ngày mệt mỏi và vất vả đẻ mưu sinh với cuộc sống. Bình yên lắm Cát Bà!

 

Quảng Bạ, Hà Giang bảo tồn các loại nhạc cụ dân tộc.

HUYỆN NẰM Ở PHÍA BẮC TỈNH HÀ GIANG, PHÍA BẮC VÀ TÂY GIÁP VÂN NAM - TRUNG QUỐC, PHÍA NAM LÀ HUYỆN VỊ XUYÊN, PHÍA ĐÔNG LÀ HUYỆN YÊN MINH. HUYỆN CÓ DIỆN TÍCH 550 KM2 VÀ DÂN SỐ LÀ 36.000 NGƯỜI (NĂM 2004). HUYỆN LY LÀ THỊ TRẤN TAM SƠN NẰM TRÊN QUỐC LỘ 4C, CÁCH THỊ XÃ HÀ GIANG 46 KM VỀ HƯỚNG BẮC, CÁCH HUYỆN YÊN MINH 52 KM VỀ PHÍA ĐÔNG.

Với đời sống hiện đại như ngày nay, thật khó để bảo tồn được di tích của mỗi dân tộc vùng miền, mỗi địa phương khác nhau. Tuy nhiên huyện Quảng Bạ, tỉnh Hà Giang đang phấn đấu và đưa ra phương pháp để bảo tồn các loại nhạc cụ dân tộc, cũng như cố gắng phát huy truyền thống đặc trưng của nơi đây. Bảo tồn di tích cũng là một nét đẹp văn hóa cần có của Việt Nam
Các dân tộc trong huyện:



Có 15 dân tộc anh em cùng sinh sống, chủ yếu là dân tộc Mông chiếm trên 60%, còn lại là dân tộc Dao, Tày, Nùng, Giấy... Mỗi dân tộc đều mang bản sắc văn hoá riêng gắn liền với những nhạc cụ độc đáo của dân tộc mình.
Khi nhắc đến người dân tộc Mông:
Nói đến dân tộc Mông hầu như người ta nghĩ ngay tới cây khèn, sáo, nhị và đàn tròn của dân tộc Giấy, Xuồng. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, nhiều dân tộc vẫn đang giữ nguyên bản sắc các nhạc cụ dân tộc và được bảo tồn, lưu giữ ở nhiều phương diện khác nhau như: Trưng bày lịch sử, nghệ thuật; nhiều loại nhạc cụ trở thành hàng hóa mang đặc trưng riêng của người dân vùng cao được nhiều người biết đến, nhưng cũng có nhiều loại nhạc cụ do nhiều nguyên nhân khác nhau đã bị lãng quên, mai một hoặc có nguy cơ bị biến tướng do sự du nhập của nền kinh tế thị trường, của những dòng nhạc hiện đại.



Thực tế đã chứng minh điều này, không chỉ có giá trị về vật chất mà còn có giá trị về tinh thần, cây khèn của dân tộc Mông đang là một loại nhạc cụ được ưa chuộng và bày bán rộng rãi trên thị trường với giá trị khoảng 400 - 600 nghìn đồng/chiếc. Song cho đến thời điểm hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên hầu như những người biết và sử dụng được cây khèn không nhiều. Còn không nhiều nghệ nhân biết và sử dụng thành tạo, còn lại đa phần lớp trẻ hầu như không biết làm và sử dụng khèn. Vì thế, tuy đã trở thành sản phẩm hàng hóa nhưng vẫn chưa hình thành được những làng nghề truyền thống tại các địa phương trong huyện. Tương tự như vậy đối với các loại hình nhạc cụ khác cũng đang trong tình trạng này.

Biện pháp bảo tồn và phát triển của tỉnh:
Trước thực trạng đó, tỉnh Hà Giang nói chung, huyện Quản Bạ nói riêng đang có nhiều các biện pháp để bảo tồn và phát huy những giá trị độc đáo của các loại hình nhạc cụ dân tộc. Anh Nguyễn Tiến Hồng, Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao và du lịch huyện Quản Bạ, cho biết: Để bảo tồn các loại nhạc cụ dân tộc, hàng năm Phòng, Trung tâm Văn hóa huyện phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn đẩy mạnh việc tổ chức các buổi hội diễn văn nghệ, nghệ thuật tại các xã, thôn, làng văn hóa; tham mưu, phối hợp với các tổ chức chính quyền, đoàn thể đẩy mạnh các hoạt động văn hóa quần chúng dân gian tại các xã, thôn, bản. Đưa các hoạt động liên hoan văn nghệ, thể thao vào các cụm dân cư, xây dựng và hình thành những Làng Văn hóa... Thông qua đó khơi dậy và phát huy được những nét độc đáo của các loại hình nhạc cụ dân tộc trong cộng đồng làng bản. Hiện nay, toàn huyện có khoảng 115 đội văn nghệ quần chúng từ huyện đến thôn bản hoạt động, phục vụ nhân dân các dân tộc trên địa bàn trong các ngày lễ lớn của dân tộc, đất nước. Trong năm 2012, Phòng Văn hóa và Trung tâm Văn hóa huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn trong huyện tổ chức được 145 buổi biểu diễn văn nghệ quần chúng, với hơn 1.000 tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc các vùng miền, phục vụ cho 30.000 người xem. Nhiều loại nhạc cụ dân tộc cũng theo đó được sử dụng một cách sinh động và hiệu quả.

Có thể nói, việc bảo tồn các loại hình nhạc cụ dân tộc đang là một hoạt động được tỉnh và các địa phương đặc biệt quan tâm, song bảo tồn dưới hình thức nào lại cũng là một vấn đề đáng bàn. Đối với huyện Quản Bạ, việc bảo tồn đó đã gắn liền với việc đưa vào sử dụng trực tiếp, lồng ghép với những tiết mục văn nghệ, những tiểu phẩm hoặc trưng bày tại các Làng Văn hóa đang được khích lệ, vừa để đề cao vai trò và tầm quan trọng của các loại hình nhạc cụ trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân, vừa tuyên truyền, giáo dục nhân dân nêu cao ý thức bảo tồn các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống trước các loại nhạc mới đang du nhập như hiện nay.

Để phát huy trước quá nhiều các loại nhạc cụ hiện đại hiện nay thì quả là khó khăn, nhưng không vì thế mà huyện Quảng Bạ tỉnh Hà Giang dễ dàng lùi bước mà sẽ phát huy hết những gì vốn có của các loại nhạc cụ này để bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa, giá trị lịch sử của địa phương.

 

Ghé thăm nhà thờ đá cổ ở Tam Đảo

TAM ĐẢO LÀ MỘT DÃY NÚI ĐÁ Ở VÙNG ĐÔNG BẮC VIỆT NAM NẰM TRÊN ĐỊA BÀN BA TỈNH VĨNH PHÚC. GỌI LÀ TAM ĐẢO, VÌ Ở ĐÂY CÓ BA NGỌN NÚI CAO NHÔ LÊN TRÊN BIỂN MÂY, ĐÓ LÀ THẠCH BÀN, THIÊN THỊ VÀ MÁNG CHỈ. NGỌN CAO NHẤT CÓ ĐỘ CAO TUYỆT ĐỐI LÀ 1.591 M. LÀ MỘT THUNG LŨNG HÌNH LÒNG CHẢO. Ở ĐÂY CÓ MỘT NGỌN NÚI CÓ TÊN GỌI NHÀ THỜ, VÌ SÁT CHÂN NÚI NẦY CÓ MỘT NGÔI NHÀ THỜ BẰNG ĐÁ CỔ.

 
Theo tư liệu, năm 1902, người Pháp khám phá ra thung lũng rộng 253 hecta, trên độ cao 900 mét, một ngày có bốn mùa xinh đẹp tuyệt vời ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc) nầy. Họ nhanh chóng bắt tay biến Tam Đảo thành nơi nghỉ dưỡng lý tưởng bậc nhất Đông Dương, dành cho các quan chức của họ. Dưới bàn tay của phu phen người bản xứ, tù thường phạm, tù chính trị, qua sự cai quản của Pháp, dần dần Tam Đảo mọc lên 145 tòa biệt thự nguy nga, tráng lệ, sân thể thao, sàn nhảy, hồ bơi, nhà thờ, trên những con đường lượn qua các đồi dốc cao thấp thơ mộng. Đó là quyết tâm của người Pháp biến Tam Đảo mang vẻ đẹp phương Tây lãng mạn, là Đà Lạt xứ Bắc, một “Hòn ngọc Đông Dương”. Tuy nhiên, qua chiến tranh, những công trình thấm đẫm mồ hôi, máu và xác người bản xứ ấy nay đã tiêu vong, một số còn “xác”, chỉ riêng nhà thờ còn tồn tại.


Cầu thang lên nhà thờ tinh xảo và mỹ thuật.

Theo các tài liệu mà chúng tôi sưu tầm được thì nhà thờ Tam Đảo được xây dựng từ năm 1906 đến năm 1912, tọa lạc tại trung tâm thị trấn Tam Đảo, bên con đường dẫn lên đỉnh núi Thiên Nhị. Ban đầu, người Pháp chỉ dựng mô hình nhà sàn lợp lá, đến năm 1937 nhà thờ chính thức được xây dựng lại kiên cố bằng đá và tồn tại cho tới ngày nay. Về mặt kiến trúc, nhà thờ Tam Đảo được xây dựng bằng đá trên một triền đất cao theo mô hình kiến trúc Gothic. Nhà thờ cổ có hai tầng với tầng nền cao 10m. Tầng dưới của tòa nhà rộng rãi, có nhiều lối đi bên cạnh mặt đường lớn, ở hai bên sườn nhà với những bậc đá dẫn lên tầng trên. Lên tầng 2 sẽ có một khoảng sân rộng có thể chứa được 100 người đứng hóng mát hoặc cầu nguyện mỗi khi hoàng hôn về. Bên trong nền tầng hai có một tòa thánh đường rộng 286m2 (dài 26m, rộng 11m) được xây dựng từ năm 1937 để giáo dân xứ Tam Đảo làm lễ cầu kinh, liền đó là gian tháp chuông cao vút đứng chọc trời.


Ngôi thánh đường xây dựng theo kiến trúc kiểu Gothic, nổi trên nền rừng thông do người Pháp trồng, xanh ngắt trên sườn núi Nhà Thờ. Thánh đường im lìm soi bóng xuống thung lũng đầy những biệt thự, nhà nghỉ, hàng quán. Lúc bấy giờ thánh đường có một tu viện nơi khoảng 100 vị ẩn tu.


Tháp chuông nhà thờ đá cổ Tam Đảo uy nghiêm.

Trong kháng chiến chống Pháp, thực hiện chính sách tiêu thổ kháng chiến của cách mạng Việt Nam, nhân dân đã di tản khỏi thị trấn, mọi biệt thự đều bị phá hủy; riêng nhà thờ được Bác Hồ chỉ thị phải giữ nguyên vẹn, không được xâm phạm vào tín ngưỡng của dân... nhờ vậy giữ được một kiến trúc đậm nét văn hóa. Từ năm 1954, chính quyền trưng dụng nhà thờ vào việc công.
Ngày 8-8-2008, nhà thờ được trao trả ban Hành giáo xứ đạo Vĩnh Yên. Và Đức cha giáo phận Bắc Ninh đã cử hành làm phép lại cho nhà thờ, khởi công trùng tu, đặt tên cho nhà thờ là “Nữ vương Hòa bình”. Ngày 02-9-2008, lần đầu tiên nhà thờ cổ Tam Đảo chính thức tổ chức buổi dâng lễ tạ ơn, với hơn 2.000 giáo dân tham dự.


Nhà thờ những năm mới  dựng

Ngày nay, đứng ở thung lũng Tam Đảo, bất cứ nơi nào cũng nhìn thấy nhà thờ đá, nhất là cái tháp chuông, như một người trầm mặc in hình giữa rừng thông vi vút lá gió trên sườn núi. Nhà thờ có một khoảng sân khá rộng. Khoảng sân nầy một mặt dài theo hông nhà thờ, mặt kia nằm “chon von” phía đường lộ. Để đảm bảo an toàn cho tín hữu, phía đường lộ được xây dựng một vòm cửa bằng đá xanh. Vòm cửa nào cũng có hình bán nguyệt, có mặt bằng để khách ngồi nhìn ngắm thị trấn bên dưới. Thị trấn xinh đẹp mà vòm cửa cũng đẹp xinh - có thể xem là một tác phẩm mỹ thuật làm tôn vẻ đẹp vốn có của nhà thờ.
 


Từ cửa vòm nhìn xuống thị trấn Tam Đảo đẹp và yêu dấu.

Với những nét đặc trưng quý hiếm đó, nhà thờ đá cổ là một điểm tham quan lý thú, thu hút bất cứ vị khách nào khi đến nghỉ ngơi Tam Đảo. Đến viếng nhà thờ bất cứ thời điểm nào trong ngày, khách cũng đều thấy vẻ đẹp của nó, mỗi tiết trời một vẻ đẹp khác nhau. Buổi sáng se se lạnh với sương mù lãng đãng vây quanh. Buổi trưa trời hanh heo nhưng gió núi thổi lùa tạo cảm giác dễ chịu. Buổi chiều lâng lâng với mùa thu lãng mạn. Buổi tối sương giăng dầy đặc, lạnh run.


Nhờ thờ thu hút khách thăm quan về nét cổ kính và những đường nét nghệ thuật

Thật là kỳ diệu! Đặc biệt ai cũng thích thú khi tận tay sờ vào những phiến đá xanh rêu “cổ tích”, được chụp những bức ảnh đẹp kỷ niệm chuyến đi nhiều thơ mộng, lãng mạn ở cái thung lũng diễm tuyệt nầy với ngôi thánh đường cổ kính tuy mang đậm phong cách kiến trúc phương Tây nhưng lại đằm thắm hồn Việt. Vì, nhà thờ đá Tam Đảo có giá trị lịch sử đáng trân trọng. Đây là một trong bốn nhà thờ đá nổi tiếng ở nước ta, là: nhà thờ đá cổ Sa Pa (Lào Cai), nhà thờ đá Nha Trang (Khánh Hòa), nhà thờ đá Phát Diệm (Ninh Bình).

Ngày nay, du khách đến Tam Đảo tham quan nghỉ mát, dường như không ai không ghé thăm ngôi nhà thờ. Một điều đặc biệt là, dù đứng bất kỳ nơi nào trong thị trấn chúng ta cũng dễ dàng nhìn thấy toàn cảnh kiến trúc của nhà thờ. Ở đây, suốt ngày mây bay lững lờ, có lúc từng đám mây sà đậu trên mái ngói nhà thờ. Cũng có lúc mây bao phủ dày đặc, toàn cảnh thị trấn chỉ nhìn thấy được chiếc tháp chuông của nhà thờ còn lại cao vút.

 

Vẻ đẹp miền sơn cước - Cao nguyên đá Đồng Văn

CAO NGUYÊN ĐÁ ĐỒNG VĂN MỘT VẺ ĐẸP VÙNG SƠN CƯỚC ĐÃ LÀM RUNG ĐỘNG NHIỀU CON TIM DU KHÁCH ĐẾN ĐÂY. Ừ THÁNG 4 NĂM 2010, HỒ SƠ CAO NGUYÊN ĐÁ ĐỒNG VĂN ĐƯỢC ĐỆ TRÌNH UNESCO CÔNG NHẬN LÀ CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT TOÀN CẦU. ĐÂY CŨNG LÀ CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT TOÀN CẦU ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM.

Với hàng loạt di sản về địa chất, địa tầng, kiến trúc cùng những nét văn hóa độc đáo của đồng bào vùng cao, Cao nguyên đá Đồng Văn mang một vẻ đẹp hoang sơ, tinh khiết và đầy bí ẩn.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn 2030.

Vẻ đẹp tiềm ẩn miền sơn cước



Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những vùng đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ quả đất, những hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc về thẩm mỹ, tính đa dạng sinh học cao và truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa.

Cao nguyên đá Đồng Văn có đủ các yếu tố hội tụ để trở thành công viên Địa chất toàn cầu: diện mạo địa chất khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên phong phú; có bản sắc văn hoá cũng hết sức độc đáo và ấn tượng như văn hoá của dân tộc Mông, Lô Lô, Pu Péo, Dao. Cao nguyên đá cũng là nơi có nhiều di tích danh thắng quốc gia đã được công nhận như: Di tích kiến trúc nhà Vương, Cột cờ Lũng Cú, phố cổ Đồng Văn, đèo Mã Pì Lèng, núi Đôi Quản Bạ v.v.

Trải qua hơn 100km đường đèo với những đoạn cua tay áo gấp đến chóng mặt giữa một bên là vực sâu và một bên là từng lớp núi đá tai mèo, khung cảnh hoang sơ và hùng vĩ của Cao nguyên đá Đồng Văn hiện ra trong mờ mịt khói mây khiến chúng tôi thực sự choáng ngợp.

Đứng trên đỉnh dốc Mã Pì Lèng, dòng sông Nho Quế xanh biếc như một dải lụa vắt qua núi khiến cảnh tượng miền đất này mang nét kỳ ảo và nên thơ. Cao nguyên đá Đồng Văn đẹp đến ngỡ ngàng từ những căn nhà cheo leo trên núi đá của đồng bào Mông đến những thửa ruộng bậc thang trải dài theo dốc núi.

Vẻ đẹp của miền đất còn được đồng bào dân tộc nơi đây tô điểm thêm bằng những ngôi nhà trình tường (nhà làm bằng đất), hàng rào bằng đá và cả những trang phục dân tộc mang nhiều màu sắc vui tươi, độc đáo.

Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang là vùng núi đá cao trên 1.000 mét bao gồm bốn huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ với diện tích hơn 2.300km2.

Nơi đây hiện có hơn 250.000 dân sinh sống với 17 dân tộc thiểu số, chiếm 90% dân số cả vùng, trong đó dân tộc Mông chiếm 70% số dân, lên đến hơn 230.000 người. Đây là vùng tập trung người Mông đông nhất cả nước.

Theo đánh giá của Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu (UNESCO), Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những vùng đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ Trái Đất, những hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc về thẩm mỹ, tính đa dạng sinh học cao và truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa.

Cao nguyên đá Đồng Văn hội tụ một loạt hệ thống di sản độc đáo như Di sản địa chất với rừng hóa thạch Huệ biển Cán Chu Phìn, nghĩa địa hóa thạch Làn Chải, điểm hóa thạch Ngã ba Lũng Pù-Khau Vai-Mèo Vạc, điểm hóa thạch Tay cuộn Ma Lé, điểm hóa thạch Trùng thoi (thị trấn Đồng Văn).

Di sản địa tầng gồm mặt cắt địa chất Lũng Cú-Ma Lé, ranh giới thời địa tầng Frasni-Famen tại đèo Si Phai; Di sản địa mạo với danh thắng núi đôi Quản Bạ, tháp kim Pải Lủng, thung lũng Thủy Mặc, rừng đá Khâu Vai… cùng rất nhiều di sản kiến trúc-lịch sử-văn hóa-danh thắng như phố cổ Đồng Văn, di tích Nhà Vương, thị trấn Phó Bảng…, các thôn văn hóa dân tộc và làng văn hóa du lịch.

Mặc dù có tiềm năng du lịch lớn nhưng Đồng Văn vẫn chưa khai thác được triệt để những lợi thế này. Trong năm 2012, lượng khách du lịch đến đây chỉ đạt 330.000 khách, trong đó chỉ có chưa đến 20.000 khách quốc tế.

Bên cạnh đó, mức chi tiêu của khách du lịch khi đến đây chỉ dao động từ 15-25 USD/ ngày/khách, thấp hơn nhiều so với mức chi tiêu trung bình của khách du lịch đến Việt Nam (60-70 USD/ngày/khách).

Bảo tồn di sản đồng hành với phát triển du lịch
Hiện tại, ngành Văn hoá Thể thao và Du lịch Hà Giang đang nỗ lực phát huy tối đa các tiềm năng du lịch và các bản sắc văn hoá dân tộc ở trên cao nguyên đá; đồng thời giữ gìn các di sản thiên nhiên vốn có. Hà Giang đã cấm khai thác đá, hang động, nhũ đá và tất cả các công việc liên quan đến di sản Công viên địa chất toàn cầu. Tỉnh coi đây là động lực, tiền đề tốt đẹp nhất cho việc thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan chiêm ngưỡng, du lịch trên cao nguyên đá.

Tỉnh Hà Giang đang thực hiện việc cắm biển di tích và nâng cao năng lực nhận thức của cộng đồng các dân tộc, tạo điều kiện phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc vùng cao. Cùng với đó, đồng bào vùng Cao nguyên đá Đồng Văn- những chủ nhân của di sản thế giới mới có điều kiện chung tay bảo vệ di sản quí giá của nhân loại.

Tiến sỹ Nguyễn Lê Huy, Trưởng Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn trăn trở, Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những vùng khó khăn nhất cả nước. Những tài nguyên phục vụ dân sinh và kinh tế như đất canh tác và nguồn nước sinh hoạt, nước canh tác, chất đốt trên địa bàn còn rất thiếu thốn. Hạ tầng cơ sở như hệ thống giao thông, hạ tầng du lịch cũng bị ảnh hưởng rất nhiều do địa hình của cao nguyên đá.

Bên cạnh đó, đời sống, trình độ nhận thức về du lịch của người dân, đặc biệt là các dân tộc thiểu số còn kém. Nguồn nhân lực cho ngành du lịch có chất lượng thấp, chưa đảm bảo yêu cầu phát triển đã tác động không nhỏ đến chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch của Đồng Văn. Hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch chưa thực sự được đầu tư nên chưa đạt hiệu quả cao.

Nhận thức được những khó khăn trên, các cơ quan chuyên môn của tỉnh Hà Giang cùng với sự giúp đỡ của đơn vị tư vấn là trường Đại học Quốc gia Hà Nội đã xây dựng quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên địa chất Đồng Văn với trọng tâm chủ yếu gồm hai phần: Bảo tồn di sản, nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch.

Việc xây dựng quy hoạch theo hướng bảo tồn, phát huy giá trị di sản, trước hết nhằm thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế về bảo tồn di sản địa chất, di sản văn hóa và địa sinh thái của Cao nguyên đá Đồng Văn.

Tiếp theo là khai thác giá trị của các di sản phục vụ phát triển du lịch, coi du lịch là sinh kế mới cho cộng đồng các đồng bào dân tộc trên vùng cao nguyên đá. Đây là định hướng mô hình mới của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (UNESCO) trao riêng cho Đồng Văn bởi khác với các công viên địa chất khác trên thế giới thường được chuyển từ các khu du lịch sang nên sẵn có cơ sở hạ tầng du lịch tốt lại không có nhiều cư dân sinh sống quanh khu vực.


Công viên Đồng Văn có tới hơn 250.000 dân sinh sống. Các bước trên cũng nhằm đáp ứng cho việc đánh giá tư cách thành viên của Đồng Văn trong Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu vào năm 2014.

Theo tiến sỹ Nguyễn Lê Huy, trong hai năm qua kể từ khi Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, tỉnh Hà Giang đã triển khai một số chương trình quảng bá hình ảnh qua kết nối trang web của Ban quản lý Công viên địa chất Đồng Văn với các trang điện tử của các cơ quan truyền thông, du lịch, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, các đại sứ quán các nước tại Việt Nam nhằm đưa thông tin về vùng Cao nguyên đá đến gần hơn với khách du lịch. Bước đầu, những hoạt động trên cũng có kết quả khả quan.

Hiện nay, tỉnh cũng đang xây dựng dự án quảng bá hình ảnh về Công viên địa chất Đồng Văn và tỉnh Hà Giang qua hai cảng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, trong đó dự kiến thành lập trung tâm thông tin tại Sân bay Nội Bài.

Ban Quản lý Công viên địa chất Đồng Văn cũng đã xây dựng các dự án giới thiệu kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư cho Cao nguyên đá Đồng Văn. Dự kiến trong năm nay, một số dự án xây dựng khách sạn, khu dịch vụ sẽ bước đầu được triển khai tại đây.

Hy vọng trong tương lai không xa, Cao nguyên đá Đồng Văn sẽ trở thành một trong những điểm đến yêu thích của khách du lịch trong nước cũng như quốc tế khi đến Hà Giang, nơi địa đầu Tổ quốc.

Cao Nguyên đá Đồng Văn là niềm tự hào của ngành du lịch, cũng là điểm thu hút khách quốc tế đến đây khá nhiều. Với những lợi thế về địa hình đồi núi, những còn đường vòng vèo sẽ càng thu hút khách đến nơi đây.