Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

Đánh thức tiềm năng di sản

Sự thiếu gắn kết và cách làm chưa được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp đang được xem là nguyên nhân chính của tình trạng khai thác loại hình du lịch di sản kém hiệu quả tại Việt Nam. Từ những chia sẻ kinh nghiệm thành công của chuyên gia một số nước trong khu vực, có thể rút ra được nhiều điều...

 

 

Bảo tàng Dân tộc học tổ chức nhiều chương trình thu hút khách du lịch.

 

Sự kết nối hữu cơ

Khách du lịch thường có xu hướng tìm hiểu nguồn gốc quá khứ, tính đa dạng văn hóa của những nơi họ đến, từ đó có thể tìm thấy những điểm dị biệt và tương đồng với nền văn hóa của mình. Trong bối cảnh ấy, bảo tàng là nơi lý tưởng để khách du lịch tới tham quan và tìm hiểu di sản văn hóa. Không chỉ là thương hiệu hay các công trình xây dựng, bảo tàng là "người kể chuyện" với các hình thức đặc biệt, gợi cảm xúc và cung cấp thông tin đa dạng thông qua các bộ sưu tập, các trưng bày và những câu chuyện kể.

Đại diện Bảo tàng quốc gia Trung Quốc cho biết: Các chuyến tham quan di tích với sự lôi cuốn về lịch sử và văn hóa độc đáo đã trở thành một phần quan trọng của "du lịch kỳ nghỉ" ở Trung Quốc, đem lại nguồn thu kinh tế lớn cho đất nước này. Không chỉ người Trung Quốc mà số khách quốc tế đến tham quan những di sản ở Trung Quốc cũng tăng với những con số ấn tượng trong những năm gần đây. Ở Ma-lai-xi-a, du lịch là ngành đóng góp lớn thứ ba cho nền kinh tế. Du lịch di sản trở thành phương tiện có sức mạnh quảng bá về đất nước, con người và bản sắc Ma-lai-xi-a. Bảo tàng quốc gia trong những năm trở lại đây trở thành một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng nhất tại đất nước này. Không những đạt kỷ lục 77 triệu lượt khách tới thăm trong 30 năm trước kia (1963 - 1993), Bảo tàng quốc gia Ma-la-xi-a thật sự trở thành "đầu tàu" kéo theo sự tăng tiến nhiều mặt của các bảo tàng khác.

Cần giải pháp đột phá

Tuy vậy, tình trạng vắng khách đến thăm bảo tàng không phải là cá biệt. Ngay cả khi bảo tàng đã có thương hiệu tương đối mạnh vẫn có thể trở nên vắng khách nếu phát triển thị trường du lịch văn hóa không có đặc trưng riêng. Muốn các bảo tàng thu hút du khách đến tìm hiểu văn hóa cần có cách "tiếp thị" thích hợp với những đặc thù. Để làm được điều đó, bảo tàng cần phải tiếp cận những nhu cầu tiêu thụ dịch vụ và tạo ra hoạt động có nội dung đó cho du khách.

Bảo tàng quốc gia Ấn Độ đã thay đổi được tình hình khách tham quan thưa vắng, sự thờ ơ của công chúng bằng sáng kiến khởi xướng Chương trình hướng dẫn của tình nguyện viên cung cấp các chuyến tham quan miễn phí cho du khách nếu có nhu cầu. Các tình nguyện viên được đào tạo ngắn hạn để có thể có những hiểu biết cần thiết giúp họ làm quen với không gian trưng bày và hiện vật, với những nội dung mà họ sẽ hướng dẫn cho khách tham quan, phát triển kỹ năng giao tiếp cần thiết để tổ chức tốt cuộc tham quan. In-đô-nê-xi-a thì đề xuất Chương trình Bảo tàng hỗ trợ chiến dịch quốc gia và Bảo tàng trong trái tim tôi. Chương trình đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của tất cả các bảo tàng ở quốc đảo này, đồng thời cũng được xã hội hóa thông qua nhiều hoạt động khác nhau. Kết quả đạt được rất đáng khích lệ nhờ sự hợp tác giữa các tổ chức, cá nhân, mang lại nhiều lợi ích cả ngắn hạn và dài hạn.

Tuy nhiên, một thách thức đặt ra đối với các bảo tàng, di tích là sự tương tác giữa hoạt động du lịch với bảo vệ di sản. Du lịch làm sống dậy di sản nhưng cũng là mối nguy của di sản. Sự vắng khách của bảo tàng dẫn tới những hạn chế trong phát huy giá trị di sản nhưng sự quá tải về lượng khách tham quan ở một số bảo tàng, di tích cũng sẽ là thách thức đối với việc giữ gìn bảo vệ di sản. Trung Quốc nêu kinh nghiệm của mình trong việc xây dựng những công viên di tích lịch sử như một phương thức mới trong du lịch và bảo tồn di tích lịch sử. Các công viên di tích lịch sử được thiết kế xây dựng bởi các chuyên gia hàng đầu của các ngành bảo tàng, văn hóa và du lịch, được chính quyền các cấp thống nhất quản lý bảo vệ.

Khách du lịch sẽ chỉ thích đến các bảo tàng, di tích vì ở đó họ có thể tìm hiểu, trải nghiệm về lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương, quốc gia mà họ đặt chân tới. Nhìn thực trạng các bảo tàng Việt Nam, cần nhấn mạnh yêu cầu đổi mới trưng bày trong việc thu hút khách tham quan. Các bảo tàng cần nâng cấp, chỉnh lý hệ thống trưng bày; đào tạo chuẩn hóa đội ngũ hướng dẫn viên bảo tàng và đội ngũ cán bộ phục vụ du khách, đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa bảo tàng với các công ty du lịch nhằm xây dựng những chương trình du lịch di sản phù hợp với nhu cầu khách tham quan. Đây có thể coi là giải pháp đột phá để giúp bảo tàng thu hút khách, đánh thức tiềm tăng vốn có của kho tàng di sản mà các bảo tàng đang lưu giữ.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét