Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Tiềm năng và định hướng phát triển du lịch tỉnh Đắk Nông

Đắk Nông là một vùng đất trù phú và hấp dẫn, được xem là cửa ngõ phía Tây Nam của Tây Nguyên. Đến với Đắk Nông là đến với núi, rừng, sông, hồ và nhiều thác nước hùng vỹ còn nguyên sơ nằm ở những cánh rừng xanh bạt ngàn.

 

 


Đến với Đắk Nông du khách còn được chứng kiến một hệ thống lễ hội vô cùng phong phú, đa dạng diễn ra quanh năm như: lễ chúc thọ, lễ cơm mới, lễ cúng lúa, lễ hội đâm trâu và đặc sắc nhất là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (đã được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại). Khi tham gia các lễ hội, du khách sẽ nghe thấy những giai điệu chiêng có vai trò hết sức to lớn trong đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc người M’Nông, Mạ …

Bên cạnh không gian văn hóa cồng chiêng vô cùng độc đáo, vừa gần gũi, ấm cúng, lại vừa hùng tráng, thiêng liêng, Đắk Nông còn có nền văn hóa nghệ thuật phong phú, đa dạng và sinh động đang được bảo tồn. Từ những nhạc cụ thô sơ làm từ chất liệu của núi rừng, những bộ đàn đá, những điệu múa, lời ca của đồng bào dân tộc M’Nông, Mạ, Ê Đê, và đặc biệc là bộ sử thi Ót N’Rông của đồng bào M’Nông gắn liền với tập quán sinh hoạt văn hóa lễ hội truyền thống cho đến các sản phẩm làng nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, đan lát, điêu khắc đều là những di sản văn hóa thu hút sự quan tâm, tìm hiểu, nghiên cứu của du khách trong và ngoài nước.

Với độ cao trung bình khoảng 600m đến 700m so với mặt nước biển, có nơi lên đến 1.982m (Tà Đùng), Đắk Nông có khí hậu trong lành, ôn hòa và mát mẻ đậm nét của một vùng cao nguyên nhiệt đới gió mùa. Với tổng diện tích rừng 293.864ha (chiếm 45,1% diện tích tự nhiên hiện có), trong đó có nhiều khu rừng đặc dụng đa dạng sinh học cao như: khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung và khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng; thiên nhiên đã ban tặng cho Đắk Nông một hệ thống thác kỳ vỹ, với khoảng 16 thác nước mang vẻ đẹp hoang sơ, kỳ thú gắn liền với nhiều sự tích, huyền thoại: thác Đray sáp, thác Gia Long, thác Trinh Nữ, thác Lưu Ly, thác 7 tầng, thác Gấu, thác Ngầm, thác Đắk GLun,… có hệ thống sông Sêrêpốk và sông Đồng Nai chảy qua tạo nên nguồn thủy năng lớn, khai thác thủy điện như: thủy điện Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, Thủy điện Đắk R’Tih, … là những đặc điểm thiên nhiên đầy lý tưởng cho du khác tham quan, dã ngoại, …

Đây cũng là vùng đất hội tụ của 40 dân tộc anh em cùng sinh sống, đa dạng về phong tục tập quán tạo nên một nền văn hóa đậm đà bản sắc mà lịch sử phát triển của nó gắn liền với lòng yêu nước và tinh thần quật khởi của dân tộc như: anh hùng dân tộc N’Trang Lơng, N’Trang Gưh và những dấu ấn địa danh lịch sử như: khu du lịch sinh thái - văn hóa - lịch sử Nâm Nung, dich tích lịch sử quốc gia Ngục Đắk Mil, khu căn cứ kháng chiến B4 – Liên tỉnh IV, Đồn Buméra,… là những anh hùng và địa danh đã đi vào lịch sử của dân tộc rất thuận lợi cho việc nghiên cứu, tìm hiểu, tham quan, du lịch.

Là một tỉnh được nhiều lợi thế về nguồn tài nguyên du lịch thiên nhiên phong phú và đa dạng về nền văn hóa đã mang đến cho Đắk Nông một dấu ấn riêng, khó phai trong lòng du khách khi đã một lần ghé thăm nơi đây.

Để đẩy mạnh hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần X đã xác định di lịch là một trong 03 mũi đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh, vì vậy để đẩy mạnh hoạt động du lịch phát triển, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi về mặt bằng, vốn, thuế nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư. Đẩy mạnh công tác quy hoạch, lập quy hoạch chi tiết những khu du lịch trọng điểm, nhanh chóng đưa vào hoạt động các khu du lịch Nâm Nung, Đắk G’lun, các dịch vụ vui chơi giải trí, ăn uống tại các trung tâm du lịch Gia Nghĩa. Bước đầu hình thành bốn cụm du lịch chính, tập trung vào các địa bàn trọng tâm: Tx Gia Nghĩa, Đắk Song (Nam Nung và các vùng phụ cận), Cư Jút, Tuy Đức./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét